GIÁO DỤC VĂN HÓA DÂN TỘC TRONG TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRÚ TỈNH CAO BẰNG

Thứ hai - 10/04/2023 20:31
GIÁO DỤC VĂN HÓA DÂN TỘC TRONG TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRÚ TỈNH CAO BẰNG
GIÁO DỤC VĂN HÓA DÂN TỘC TRONG TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRÚ TỈNH CAO BẰNG
            Trong tiến trình cách mạng của dân tộc, Đảng ta rất coi trọng văn hóa và khẳng định “Văn hóa là động lực của sự phát triển”. Trên cơ sở mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa với con người, con người với văn hóa, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Đồng thời, Đảng cũng rất coi trọng xây dựng và phát huy niềm tự hào dân tộc, ý chí tự cường, sức sáng tạo, tinh thần cống hiến vì đất nước, khát vọng phát triển thịnh vượng, lòng nhân ái, sự đồng thuận xã hội, tạo sức mạnh tổng hợp thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững. Đây là nội dung được Đảng nhấn mạnh, thể hiện quyết tâm chính trị cao trong phát huy giá trị văn hóa gắn với sức mạnh con người Việt Nam thời kỳ mới, phù hợp với xu thế phát triển khách quan của thời đại, sát với thực tiễn đất nước.
Thấm nhuần tư tưởng đó, nhiều năm qua thầy và trò trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Cao Bằng đã làm tốt công tác giáo dục văn hóa trong đó có văn hóa dân tộc. Nhà trường xác định nhiệm vụ giáo dục văn hóa dân tộc trong trường dân tộc nội trú tập trung vào các nội dung sau: Giáo dục học sinh về truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số và đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, giáo dục thái độ trân trọng di sản văn hóa của các dân tộc nhất là các dân tộc thiểu số ít người và đặt biệt ít người. Trên cơ sở đó, từng bước hình thành ở học sinh lòng tự hào dân tộc, thái độ tự tin khi giới thiệu những giá trị văn hóa của dân tộc mình với các dân tộc khác, làm nên tiếng nói đa dạng, phong phú trong nền văn hóa đa dạng, thống nhất của dân tộc Việt Nam nói chung và văn hóa đặc trưng của các dân tộc trên quê hương Cao Bằng nói riêng.

                                       Hoạt động múa sân trường
         Xuất phát từ mục tiêu của nhà trường là tạo nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số có chất lượng người dân tộc thiểu số cho địa phương, cho đất nước. Với đối tượng tuyển sinh là những học sinh người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, nhà trường luôn xác định việc dạy học không chỉ dừng lại ở việc dạy kiến thức mà cần chú trọng giáo dục các kĩ năng sống, giáo dục lối ứng xử văn hóa trong học tập và sinh hoạt...với nhiều biện pháp như tích hợp trong các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân và tích hợp trong các chương trình hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động phong trào.
           Nhà trường đã đa dạng hóa các hình thức tổ chức, sáng tạo trong nội dung thực hiện, học sinh được tham gia nhiều hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về văn hóa dân tộc, giáo dục ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa thông qua các hoạt động học tập, trong các giờ thực hành, sinh hoạt dưới cờ, các hoạt động do Đoàn Thanh niên tổ chức....Những hoạt động thu hút sự tham gia của học sinh như Câu lạc bộ đàn tính - hát then, Câu lạc bộ Nghệ thuật, hoạt động múa sân trường hay trưng bày và trang trí không gian văn hóa theo huyện hoặc theo các dân tộc trong Ngày hội đoàn viên 26-3...Trong các giờ học chính khóa các em được tham gia các hoạt động học tập như thực hành thiết kế trang phục dân tộc từ vật liệu tái sử dụng hay thuyết trình về một số thành tựu văn hóa tiêu biểu của các dân tộc...
 

Tiết mục Hát then trong Lễ Kỉ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11
         Qua những hoạt động tuyên truyền, giáo dục về văn hoá dân tộc; các em học sinh không chỉ được rèn luyện về mặt kỹ năng, củng cố kiến thức mà còn tích cực thực hiện mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đó là hướng đến phát triển các năng lực và phẩm chất cần thiết. Một trong những phẩm chất cần vun đắp và bồi dưỡng đó là yêu nước và trách nhiệm. Phẩm chất yêu nước được hình thành từ những hành động nhỏ như biết yêu bản sắc văn hóa của dân tộc, quê hương mình, có trách nhiệm trong việc giữ gìn và lưu truyền bản sắc đó cho các thế hệ sau. Bản sắc văn hóa dân tộc là tổng hòa những giá trị văn hóa bền vững, phản ánh diện mạo, sắc thái, cốt cách, tâm hồn, tâm lý… của một dân tộc, được thường xuyên hun đúc, bổ sung và lan tỏa trong lịch sử dân tộc, trở thành tài sản tinh thần đặc sắc, tạo nên sức mạnh gắn kết cộng đồng và để phân biệt sự khác nhau giữa dân tộc này với dân tộc khác trong cộng đồng nhân loại. Mặt khác bản sắc văn hóa dân tộc được biểu hiện ở lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân với tập thể lớp học, nhà trường; gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã  -  Tổ quốc.
Lồng ghép giáo dục văn hóa dân tộc trong giờ sinh hoạt lớp
          Mỗi học sinh Trường Dân tộc nội trú tỉnh Cao Bằng là một đại diện văn hóa của một vùng quê, một dân tộc của tỉnh. Tham gia học tập, sinh hoạt dưới một mái nhà chung; các em ngày càng chứng tỏ mình chính là những sản phẩm có chất lượng cao của một nền giáo dục toàn diện. Nhà trường không chỉ khẳng định được thương hiệu đứng trong tốp đầu về chất lượng giáo dục mà còn tạo ra những “sản phẩm giáo dục” hội tụ đầy đủ các kĩ năng cần thiết, đó chính là kết quả của việc chú trọng công tác “dạy chữ”, “dạy người” đồng thời khẳng định làm tốt công tác giáo dục văn hóa dân tộc trong nhà trường sẽ góp phần quan trọng trong việc giáo dục học sinh phát triển toàn diện.
Lê Kim Thoa – GV Tổ Khoa học xã hội 1

Tổng số điểm của bài viết là: 57 trong 14 đánh giá

Xếp hạng: 4.1 - 14 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT
FANPAGE
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập16
  • Hôm nay182
  • Tháng hiện tại4,465
  • Tổng lượt truy cập2,136,136
logo truong
©  TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRÚ TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Tổ 2, Phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063 750 706  -  Email: c3noitru.caobang@moet.edu.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà giáo Lê Thị Lan Phương - Bí thư chi  bộ, Hiệu trưởng
Ghi rõ nguồn https://truongptdtntcaobang.edu.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây