TUYÊN TRUYỀN GIỚI THIỆU NHỮNG ĐÓNG GÓP QUAN TRỌNG, TO LỚN CỦA QUÂN VÀ DÂN CAO BẰNG, NHỮNG TẤM GƯƠNG TẬP THỂ, CÁ NHÂN TIÊU BIỂU TRONG CÁC CUỘC ĐẤU TRANH GIẢI PHÓNG DÂN TỘC , BẢO VỆ TỔ QUỐC

Thứ ba - 14/02/2023 03:44
TUYÊN TRUYỀN GIỚI THIỆU NHỮNG ĐÓNG GÓP QUAN TRỌNG, TO LỚN CỦA QUÂN VÀ DÂN CAO BẰNG, NHỮNG TẤM GƯƠNG TẬP THỂ, CÁ NHÂN TIÊU BIỂU TRONG CÁC CUỘC ĐẤU TRANH GIẢI PHÓNG DÂN TỘC , BẢO VỆ TỔ QUỐC
         Cao Bằng là một tỉnh miền núi thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam. Phía bắc và đông giáp tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), phía tây giáp tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang, phía nam giáp tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Lạng Sơn.
        Với vị trí địa lý này, từ xưa Cao Bằng đã có một vai trò quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc, được coi là “nơi phên giậu thứ tư về phương Bắc”, là “cổ họng của Giao Chỉ”. (Nguyễn Trãi toàn tập – Dư địa chí/ Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt – Lịch sử ngoại giao và tôn giáo của Triều Lý, NXB KHXH, Hà Nội, 1996, tr 268).
       Qua các thời kỳ phát triển, đời sống của đồng bào các dân tộc Cao Bằng vô cùng cực khổ dưới ách áp bức bóc lột thậm tệ của chế độ phong kiến và thuộc địa nhưng người dân Cao Bằng luôn tự hào về truyền thống lao động cần cù và đấu tranh chống áp bức phong kiến, chống thực dân xâm lược của quê hương. Trong buổi sinh hoạt chuyên đề này, chúng ta cùng nhìn lại một lại một thời kỳ lịch sử thăng trầm của dân tộc và những đóng góp của quân và dân Cao Bằng trong những cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
       Trong thời kỳ nguyên thủy và cổ đại, đóng góp của nhân dân Cao Bằng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước được thể hiện qua chuyện Báo Luông – Slao Cải, Cẩu chủa cheng vùa. Trong suốt hơn 1000 năm chống phong kiến phương Bắc xâm lược và đô hộ, các cuộc khởi nghĩa nổ ra, giành được thắng lợi đều mang tính nhân dân sâu sắc, trong đó có sự ủng hộ của đồng bào các dân tộc Cao Bằng. Từ thế kỷ X đến những năm đầu của thế kỉ XX, nhân dân các dân tộc Cao Bằng đấu tranh chống ngoại xâm và áp bức bóc lột phong kiến, góp phần bảo vệ nền độc lập dân tộc có Nùng Trí Cao và cuộc kháng chiến chống Tống, cuộc khởi nghĩa Bế Khắc Thiệu chống quân Minh độ hộ, khởi nghĩa Nông Văn Vân. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhân dân các dân tộc Cao Bằng đóng góp bằng các cuộc khởi nghĩa: nổi dậy cùng với phòng trào Cần Vương ủng hộ vua Hàm Nghi của Triệu Phúc Sinh, bá hộ Lê Bá Tài, sự ra đời Chi bộ Đảng đầu tiên ở Cao Bằng đánh dấu bước ngoặt trong công cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân các dân tộc Cao Bằng. Tiếp theo là sự ra đời và phát triển căn cứ địa Cao Bằng, khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền ở Cao Bằng năm 1945, cuộc tấn công thu đông 1947 và Chiến dịch biên giới thu đông 1950. Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, nhân dân các dân tộc Cao Bằng vừa sản xuất, vừa chiến đấu và phục cụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ, tích cực chi viện cho chiến trường miền Nam. Từ 1976 đến nay, Cao Bằng cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện đường lối đổi mới.
      Trong thời gian của một buổi sinh hoạt chuyên đề, nhóm Văn chúng tôi chỉ đưa ra một cái nhìn khái quát về quá trình phát triển, đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc của quân và dân Cao Bằng. Còn cụ thể và chi tiết chúng tôi xin trình bày về Nùng Trí Cao và cuộc kháng chiến chống Tống.
        Họ Nùng vốn có thế lực lớn ở các vùng Tả Giang (Quảng Tây - Trung Quốc) và Đông Bắc châu Thái Nguyên (tức Cao Bằng) thời phong kiến. Dưới thời thuộc Đường, họ Nùng nằm trong vòng “cơ mi”  lỏng lẻo, sau thần phục Nam Hán, rồi quy phục nhà Tống (Trung Quốc). Đến thời Tiền Lê, Lê Hoàn đã giao cho Nùng Dân Phú quản địa hạt Cao Bằng. Đầu thời Lý, họ Nùng là phiên thần Đại Việt quản giữ các đất biên giới từ châu Vạn Nhai đến châu Thảng Do (từ Võ Nhai đến Trung Thảng - Cao Bằng).
        Nùng Trí Cao sinh vào khoảng đầu TK XI, có tài liệu ghi là năm 1025, ở Gia Cung - Mệnh Ngọc (nay là Gia Cung -  thành phố Cao Bằng) thuộc châu Quảng Nguyên (ngày nay là tỉnh Cao Bằng). An Nam chí lược của Lê Tắc đời nhà Nguyên và Tục tư trị thông giám của sử gia Tất Nguyên thời Mãn Thanh ghi nhận: Châu Quảng Nguyên là vùng đất mà thời đó cả nhà Tống và Đại Việt đều tuyên bố chủ quyền, nhưng tù trưởng ở vùng này chủ yếu cống nạp cho phía Đại Việt. Khi đó Nùng Tồn Phúc làm Tri châu Quảng Do, em là Tồn Nhai làm Tri châu Vạn Nhai, em vợ là Nùng Đương Đạo làm Tri châu Vũ Lịch. Nùng Tồn Phúc, dân tộc Tày, vốn là thủ lĩnh châu Thảng Do (Cao Bằng) là cha của Nùng Trí Cao. Năm 1038, Nùng Tồn Phúc nổi dậy, lập nước Trường Sinh, chống lại nhà Lý. Sử nhà Lý ghi lại sự việc này như sau: Năm 1038, vua xuống chiếu: “Từ khi làm vua đến giờ tướng văn, tướng võ ... phương xa coi lãnh không đâu là không thuần phục. Nay họ Nùng tự tôn càn gỡ tiếm vị hiệu, ra mệnh lệnh tụ họp quân ong bọ, làm hại nhân dân biên thùy”.([1]) Vua Lý Thái Tông đích thân cầm quân dẹp, bắt được Nùng Tồn Phúc và Nùng Trí Thông (con trai cả) đem về chém bêu đầu ở chợ Kinh đô.
       Khi nước Trường Sinh bị diệt, Nùng Trí Cao và mẹ là A Nàng đã chạy thoát đến động Lôi Hỏa (đất Tống- Trung Quốc), tập hợp lực lượng, luyện tập quân sự chờ thời cơ phục thù nhà cùng với hy vọng là các tộc Tày, Nùng, Tráng sẽ giành được sự độc lập như các tộc khác đã làm.
        Tháng 3 năm 1041, mẹ con Nùng Trí Cao từ Lôi Hỏa trở về chiếm châu Thảng Do, dựng nước Đại Lịch, chống lại nhà Lý. Vua Lý sai quân lên đánh, bắt được đem về Thăng Long nhưng tha tội chết, phong làm châu mục Quảng Uyên và 4 động: Lôi Hỏa, Bình, An và châu Tư lang.
 Năm 1043, nhà Lý gia phong chức Thái bảo, ban đô ấn vào giao trách nhiệm trấn ải vùng biên cương này cho Nùng Trí Cao.
         Mặc dù được ưu ái, Nùng Trí Cao vẫn cậy thế hiểm nuôi chí cát cứ. Năm 1048, Nùng Trí Cao lại nổi dậy ở động Vật Ác, chiếm cả châu An Đức (Quảng Tây - Trung Quốc), dựng lại nước Đại Lịch. Nhà Lý lại điều binh lên trấn áp. Nùng Trí Cao nhanh chóng bị khuất phục và được nhà Lý cho giữ nguyên chức cũ.
        Sau vài năm chiêu tập lực lượng, tích trữ lương thảo, luyện tập quân sĩ, tháng 4 năm 1052, Nùng Trí Cao tiến hành cuộc chiến tranh chống Tống. Quân sĩ của Nùng Trí Cao lên đến 5.000 người. Nghĩa quân nhanh chóng chiếm được trại Hoành Sơn (Điền Châu- Trung Quốc ngày nay). Thừa thắng, nghĩa quân tiến công thành Ung Châu và trong vòng mười ngày (từ 9/5/1052 đến 19/5/1052), Trí Cao đã chiếm được cả Ung Châu (gồm các châu Hoành, Quý, Củng, Tâm, Đằng, Ngô, Phong, Khang, Đoan - thuộc đất Trung Quốc). Chiếm xong Ung Châu, Nùng Trí Cao tự xưng là Nhân Hậu Hoàng Đế, lấy quốc hiệu là Đại Nam. (1052 - 1055)
Ngày 22/5/1052, quân Nùng Trí Cao tiến đến Quảng Châu và bị chặn lại. Sau 57 ngày công phá, Trí Cao không hạ được thành Quảng Châu, buộc phải rút về Quảng Tây để củng cố lực lượng và chiếm thêm các châu: Hạ Châu, Thiểm Châu (Trung Quốc). 
       Tính từ đầu cuộc tấn công, quân Nùng Trí Cao đã giết được 3.000 tướng tá Tống và bắt hàng vạn người. Sử cũ nhà Tống ghi lại rằng: “Lúc quân Nùng Trí Cao đi qua chín châu, giết Tào Cần ở Phong Châu, Triệu Sứ Đán, Mã Quý ở Khang Châu, ngoài ra giết quan lại rất nhiều, dân đi theo Trí Cao, cho nên thế và lực của Trí Cao ngày càng tăng”. ([2])
        Năm 1053, nhà Tống cử Địch Thanh làm nguyên soái chỉ huy quân Tống đánh nhau với Nùng Trí Cao. Lợi dụng quân Nùng Trí Cao sơ hở, Địch Thanh đã thắng. Nùng Trí Cao cho người về Thăng Long cầu cứu. Vua Lý sai tướng Vũ Nhị dẫn quân ứng cứu nhưng không kịp. Nùng Trí Cao thua to và chạy vào động Đặc Ma rồi chạy đến đất Đại Lý (thuộc Vân Nam - Trung Quốc) hai năm sau mất ở đó (1055). Sau khi ông mất, vua Lý đã sắc phong cho ông là Khâu Sầm Đại Vương. Các triều về sau đều gia phong cho ông mỹ tự "Khâu Sầm tế thế, an dân án ngoại, ninh thùy trấn dịch, anh nghị quả đoán, hiển ứng thùy hưu, hộ quốc an dân đại vương". Có thể coi trường hợp Nùng Trí Cao là một ví dụ cơ bản về chính sách vừa “cương”, vừa “nhu” của nhà Lý đối với dân tộc thiểu số nhằm “tha tội cho các thủ mục”, “vỗ yên dỗ bảo nhân dân” ... như ghi chép trong Đại Việt sử kí toàn thư, Việt sử lược và là một chính sách đặc biệt của nhà Lý để yên bề nơi vùng biên viễn.
        Còn đối với nhân dân Cao Bằng, mặc dù sự quật khởi của Nùng Trí Cao – dựng một vương quốc độc lập cho dân tộc Tày, Nùng, Tráng – đã không thành công, nhưng người Tày, Nùng, Tráng suy tôn ông như một vị anh hùng dân tộc, gọi ông là Vua Nùng" (Vua Nông) và thần thánh hóa ông như một vị thần nông, nhờ những công lao to lớn đối với đất nước và dân tộc nên ông đã được nhân dân thần thoại hóa là “người trời” có những phép thuật kỳ lạ. Ông có tầm ảnh hưởng lớn không chỉ đối với nhân dân các dân tộc miền núi phía Bắc mà còn được biết tới với vai trò là một vị thánh chính là thánh ông Hoàng Bát Nùng trong tín ngưỡng Tam - Tứ phủ của người Việt, nơi gửi thác những mong ước về sự dung dưỡng của các nữ thần, mẫu thần, là sự cầu ước sinh sôi nảy nở, sức khỏe, tài lộc….Trên đất Cao Bằng, đền thờ Nùng Trí Cao được nhân dân lập ở nhiều nơi, như ở các huyện Hòa An, Hà Quảng, Thông Nông, Quảng Uyên… Đền Phja Đeng thuộc xã Cường Lợi, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn là di tích thờ hai Vua Đinh Tiên Hoàng và Vua Nùng Trí Cao, thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa cộng đồng người dân tộc Tày, Nùng với người Kinh.
        Đền thờ Nùng Trí Cao ở huyện Hà Quảng được xây dựng từ năm 1889, tại xóm Cốc Vường, xã Sóc Hà. Đền được xây trên một gò đất cao, dựa vào dãy núi Phja Mạ vững chắc tựa bức tường thành, trước mặt trông ra sông Tả Cọn - một nhánh thượng nguồn sông Bằng. Theo người dân địa phương núi Phja Mạ có hình một con ngựa hướng về phía đền, vì thế khi làm lễ cầu khấn, linh hồn thần vương Nùng Trí Cao sẽ phi ngựa từ trên trời về để phù hộ thần dân được an lành. Năm 1979, xảy ra chiến tranh biên giới, đền bị tàn phá hoàn toàn. Năm 2001, nhân dân trong xã đóng góp tiền, công sức xây dựng lại đền. Năm 2010, được sự đầu tư, giúp đỡ của các nhà hảo tâm ở trong và ngoài tỉnh và sự đóng góp của nhân dân địa phương, đền được trùng tu tôn tạo xây dựng mới khang trang. Năm 2011, Đền thờ Nùng Trí Cao đã được UBND tỉnh công nhận xếp hạng Di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 2821/QĐ-UBND-VX, ngày 26/12/2011. Hằng năm, cứ vào ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch (là ngày giỗ của Nùng Trí Cao), nhân dân xã Sóc Hà và du khách thập phương lại về đây vui xuân trẩy hội với mong muốn cầu phúc, cầu lộc, cầu an.
        Đền thờ Nùng Trí Cao lớn nhất ở tỉnh Cao Bằng là đền Kỳ Sầm (Khâu Sầm Đại Vương) tại Bản Ngần - Vĩnh Quang - Hòa An ngày nay. Đền Kỳ Sầm được xây dựng từ thế kỷ XII thời nhà Lý bởi công sức đóng góp của người dân vùng Châu Quảng Nguyên (bao hàm cả Cao Bằng, Lạng Sơn và một phần Hà Giang ngày nay). Theo dân gian truyền lại rằng sau khi ông mất đã để lại ấn Thái Bảo tại núi Khâu Sầm (Kỳ Sầm), vì vậy để tưởng nhớ công ơn của ông đối với dân tộc nên nhân dân nơi đây đã lập miếu thờ và đặt tên là miếu Long Ấn sau này miếu được dời xuống chân núi Kỳ Sầm và chính là đền Kỳ Sầm ngày nay. Đền nằm trên địa thế tựa núi, nhìn sông, dãy núi phía sau uốn lượn như mình rồng tạo bức bình phong vững chãi che chắn gió bão, phóng tầm mắt ra phía trước là dải đất thấp bằng phẳng, xa xa là dòng sông Bằng quanh năm chảy hiền hòa. Theo phong thủy của người Việt đây là thế đất tốt lành, thể hiện được sự linh thiêng và uy nghi đồng thời mang ý nghĩa cầu mong cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Khuôn viên đền rộng chừng 1ha, với khu nhà đền ẩn hiện sau những tán cây cổ thụ trăm năm tuổi tạo không gian cảnh quan hài hòa, xanh mát mang lại cảm giác thanh tịnh cho nơi đây. Đến nay, đền đã được trùng tu nhiều lần và được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1993. Lễ hội đền Kỳ Sầm diễn ra thường niên vào ngày mồng 10 tháng Giêng Âm lịch hằng năm, đây là dịp để mọi người trong vùng du xuân, vãn cảnh chùa cũng như thắp hương tưởng nhớ đến vị lãnh tụ người Tày Nùng. Theo thông lệ, vào tối ngày mồng 9, người dân trong làng sẽ tổ chức lễ dâng hương đến vị anh hùng lịch sử Nùng Trí Cao vào lúc 12h đêm tại đền Kỳ Sầm. Các cụ cao niên có uy tín của địa phương sẽ thực hiện nghi thức này. Từ trang phục áo dài khăn đóng, đến tiếng trống, tiếng chiêng bắt đầu buổi lễ đều được diễn ra trong không khí trang nghiêm ở đền Kỳ Sầm. Thủ tục dâng trà, rót rượu cũng được tổ chức sang trọng thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân các bậc tiền nhân của dân tộc ta. Đây còn là buổi lễ mang tính tâm linh cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, nhân dân ấm no đầy đủ. Sáng ngày mồng 10, từng dòng người đi trẩy hội nườm nượp từ khắp các vùng đến đền Kỳ Sầm để tham gia. Khói hương nghi ngút thể hiện lòng thành kính với vị anh hùng Nùng Trí Cao. Đồng thời, nó cũng mang những tâm nguyện của người đi cầu những mong ước sẽ được thành sự thật.
         Tại phường Sông Bằng (khu Nà Cạn cũ), thành phố Cao Bằng, còn có đền Bà Hoàng, thờ Minh Ðức Hoàng Hậu, vợ của Nùng Tồn Phúc, mẹ của Nùng Trí Cao. Bà là người phụ nữ danh tiếng, một thời lừng lẫy gắn liền với chặng đường lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc trên vùng đất biên viễn phía Bắc, là người phụ nữ đôn hậu, mạnh mẽ, tài giỏi, mưu lược. Bà có công lớn nuôi dạy, rèn luyện võ nghệ cho con trai Nùng Trí Cao, sau này Trí Cao trở thành một dũng tướng miền biên ải, người anh hùng giúp nhà Lý dựng nên thành lũy trấn giữ biên cương, bảo vệ một vùng rộng lớn cương vực phía Bắc của lãnh thổ quốc gia. Bà là quân sư trực tiếp cho Trí Cao trong từng trận đánh và được nhà Lý mời làm cố vấn tướng lĩnh. Ngoài ra, bà còn dạy nhân dân trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi gia súc, được dân chúng suy tôn là Thần gia súc.
Ngoài đền thờ thì trên mảnh đất Cao Bằng còn nhiều nơi vẫn ghi lại dấu ấn của Nùng Trí Cao và những cuộc khởi nghĩa. Ví dụ như thành Nà Lữ. Trong lịch sử của tỉnh, Cao Bình - Nà Lữ đã từng là vị trí trung tâm của trấn lỵ Cao Bình, là quân thành vừa là thị thành với tên gọi chợ thành Háng Seéng, có phố Cao Bình, phường Nà Lữ. Hiện nay, Cao Bình thuộc xã Hưng Đạo (tp Cao Bằng), Nà Lữ thuộc xã Hoàng Tung (Hòa An). Thành Nà Lữ được xây bằng đất từ năm 265 (thời Tần Vũ Đế), đến năm 866 (đời Đường Hy Tông, năm Hàm Phong thứ 5 tháng 11 Bính Tuất) được Cao Biền (Tiết độ sứ) cho xây dựng cùng với thành Đại La, thành Phục Hòa và thành Lạng Sơn. Thế kỷ thứ XI, Nùng Tồn Phúc nổi dậy chiếm Cao Bình - Nà Lữ làm kinh đô nước Trường Sinh vào năm Kỷ Mão (1039),sau đó được Nùng Trí Cao đã lấy chỗ này làm nơi chiêu binh luyện mã. Như vậy, đầu thế kỷ thứ XI, Cao Bình - Nà Lữ vẫn giữ vai trò là trung tâm chính trị vùng Quảng Nguyên với sự thống lĩnh của họ Nùng.
        Đèo Mã Phục, huyện Quảng Hòa cũng là một địa danh lưu lại dấu ấn của Nùng Trí Cao. Ai lên đèo cũng đều biết tới chuyện tráng sĩ Nùng Trí Cao đã lãnh đạo nhân dân địa phương chống lại nhà Tống ở phía Bắc vào giữa thế kỷ XI. Tích xưa kể rằng, trong một lần tuần tra biên giới trở về, đến địa phận xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh ngày nay, gặp con đèo cao quanh co, dốc đứng án ngữ trước mặt, ngựa của Nùng Trí Cao bị khuỵu chân không thể đi tiếp được nữa. Từ đó dãy núi được đặt tên là Án Lại và con đèo được đặt tên là Mã Phục (ngựa quỳ).
         Trong chương trình Lịch sử địa Phương tỉnh Cao Bằng, Nùng Trí Cao được tìm hiểu về như một vị anh hùng trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược. Tại trường PT DTNT tỉnh Cao Bằng cũng đã có nhiều hoạt động để tìm hiểu về Nùng Trí Cao cũng như lễ hội đền Kỳ Sầm. Trường đã tổ chức cho cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh tham quan tìm hiểu về Nùng Trí Cao và lễ hội đền Kỳ Sầm vào các ngày lễ hội hàng năm. Trong các hoạt động giáo dục của nhà trường như: Cuộc thi Đường lên đỉnh Olypia, Cuộc thi tuyên truyền Công viên địa chất toàn cầu Unesco non nước Cao Bằng, Câu lạc bộ Cùng em khám phá công viên địa chất toàn cầu Unesco non nước Cao Bằng…cũng đã có những câu hỏi, thông tin để cán bộ giáo viên nhân viên nhà trường và học sinh có cơ hội khám phá tìm hiểu về một người anh hùng của vùng đất Cao Bằng và những sự kiện, những di tích lịch sử có liên quan đến ông. Từ đó, khơi dậy tình yêu thương, lòng tự hào về quê hương Cao Bằng – mảnh đất địa đầu của Tổ quốc.
                                                                                                              NHÓM NGỮ VĂN
Tài liệu tham khảo
- Lịch sử địa phương tỉnh Cao Bằng (Giáo trình đào tạo giáo viên THCS hệ Cao đẳng Sư phạm)
- Báo Cao Bằng điện tử
- Haquangtv.vn
- https://caobangtourism.vn/vi/nungchicaocbg
 
[1] Toàn thư. Nxb Khoa học xã hội, 1967, tập 1, tr 215
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT
FANPAGE
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay261
  • Tháng hiện tại4,601
  • Tổng lượt truy cập2,136,272
logo truong
©  TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRÚ TỈNH CAO BẰNG
Địa chỉ: Tổ 2, Phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
Điện thoại: 02063 750 706  -  Email: c3noitru.caobang@moet.edu.vn
Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà giáo Lê Thị Lan Phương - Bí thư chi  bộ, Hiệu trưởng
Ghi rõ nguồn https://truongptdtntcaobang.edu.vn khi phát hành lại thông tin từ địa chỉ này.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây